Một số kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt hàng ngày
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Chính vì vậy cùng với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy có thể xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.Sau đây là một số kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt hàng ngày.
Phòng cháy trong sinh hoạt hàng ngày
- Quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), nguồn nhiệt, hệ thống điện và thiết bị điện.
- Sắp xếp đồ vật, vật tư, hàng hóa gọn gàng, tránh gây cháy lan và cản trở lối thoát nạn; để chất dẫ cháy cách xa nơi đun nấu, nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Không buôn bán, tàng trữ trái phép hàng hóa, chất dễ cháy, nổ…. Trong trường hợp cần thiết: Sử dụng, dự trữ xăng dầu, khí đốt…phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì chỉ nên dự trữ một số lượng đủ dùng, không quá nhiều và phải bảo quản ở khu vực riêng biệt, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và tránh nhầm, lẫn trong quá trình sử dụng.
- Lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ gas (nếu dùng gas), thiết bị cảnh báo cháy sớm; trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu cho gia đình như bình chữa cháy, các phương tiện cứu nạn cứu hộ để có thể thoát nạn khi gặp các sự cố cháy, nổ như: đèn pin, búa, rìu, mặt nạ lọc độc, dây hạ chậm vv….
- Mỗi nhà ở hộ gia đình cần có tối thiểu 02 lối thoát nạn và các phương án thoát nạn để mỗi thành viên trong gia đình khi có sự cố đều có thể thoát nạn an toàn.
- Giáo dục, nhắc nhở trẻ em không chơi đùa, nghịch lửa, diêm…
Xử lý khi có cháy xảy ra
- Báo động, hô hoán cho mọi người biết có đám cháy
Khi phát hiện ra có cháy, nhanh chóng hô hoán, báo động để mọi người cùng biết. Báo động đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu số người bị thương hoặc thiệt mạng do các yếu tố khói, khí độc và ngọn lửa tác động. Người phát hiện sự cố cháy có thể hô hoán bằng lời hoặc sử dụng các phương tiện báo động khác như: dùng kẻng, loa phát thanh, nhấn nút chuông báo cháy… việc báo động để thông báo cho mọi người trong khu vực đang xảy ra cháy biết, những người đủ sức khỏe thì hỗ trợ trong công tác chữa cháy, người không đủ sức khỏe thì di chuyển thoát nạn.
- Cắt điện khu vực xảy ra cháy
Cắt điện khu vực xảy ra cháy là việc làm rất cần thiết nhằm ngăn ngừa đám cháy lan truyền đến các khu vực khác. Việc ngắt cầu dao điện cũng giúp đảm bảo an toàn cho những người trong khu vực cháy di chuyển thoát nạn an toàn hơn, không bị điện giật. Trong quá trình chữa cháy, chất chữa cháy được sử dụng chủ yếu là nước, chính vì vậy việc ngắt cầu dao điện cũng chính là việc đảm bảo cho những người phun chất chữa cháy vào đám cháy không bị điện giật, không gây nguy hiểm đến tính mạng của những người tham gia cứu chữa vụ cháy.
- Sử dụng các phương tiện để dập cháy
Phương tiện chữa cháy ban đầu là những phương tiện có thể dập tắt được đám cháy khi mới phát sinh, đám cháy nhỏ. Phương tiện chữa cháy ban đầu có thể là quần áo, chăn, cát, bình chữa cháy, hệ thống họng nước chữa cháy trong và ngoài nhà vv…. Người phát hiện đám cháy, nhanh chóng di chuyển đến khu vực để các phương tiện chữa cháy ban đầu lấy và thao tác sử dụng để dập cháy.
- Gọi điện thoại báo cháy theo số 114
Đồng thời với việc tổ chức các bước như trên là gọi điện đến số 114 nhằm báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC biết đang có đám cháy. Khi gọi điện báo cháy theo số 114, cần chú ý:
+ Thông tin chính xác địa chỉ nơi xảy ra cháy, có người bị nạn trong đám cháy hay không, loại chất cháy, đặc điểm đám cháy, thông báo sơ bộ về quy mô đám cháy.
+ Khi gọi điện báo cháy: Người gọi điện báo cháy có thể sử dụng điện thoại di động hoặc điện thoại cố định để gọi báo cháy. Cách bấm điện thoại (mã vùng +114) hoặc bấm trực tiếp 114, tuy nhiên để có thể nhanh chóng thông tin cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì chỉ cần bấm trực tiếp số 114 hoặc có thể gọi thông qua App Báo cháy 114.
* Một số thao tác khác
+ Tổ chức cứu người bị nạn nếu có người bị nạn mắc kẹt tại nơi xảy ra cháy.
+ Trong trường hợp sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu không hiệu quả, đối với các đám cháy ở trong nhà, những người tham gia cứu chữa nhanh chóng di chuyển thoát nạn, trong quá trình di chuyển thoát nạn ra khỏi phòng cần đóng cửa lại để hạn chế đám cháy phát triển lớn.
- Di chuyển tài sản có giá trị ra khỏi khu vực có nguy cơ cháy lan, đồng thời cử người bảo vệ tài sản.
- Đón xe chữa cháy và phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để tham gia chữa cháy.
* Khi có sự cố về cháy, nổ trên địa bàn xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị người dân báo ngay cho:
- Lực lượng phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại : 114
- UBND xã Kỳ Trung: -Ông Nguyễn Văn Hệ - Chủ tịch UBND xã, số điện thoại: 098 771 5527;
- Ông Lê Đình Dũng - Phó Chủ tịch TT UBND xã, số điện thoại: 036 775 5899.
- Công an xã Kỳ Trung: 097 578 6678